I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch CCHC hàng năm của xã đối với cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ; nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về công tác CCHC nhà nước, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), góp phần tham gia giám sát quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, duy trì điểm số tốt về thực hiện CCHC.
b) Nâng cao hiệu quả tuyên truyền CCHC trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với việc đưa tuyên truyền CCHC vào hoạt động thường xuyên trên các trang thông tin điện tử của xã.
c) Đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền trên mạng xã hội, thông qua Zalo, Fanpage của UBND xã, của các đơn vị nhằm phát huy hiệu quả truyền thông mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội.
2. Yêu cầu
a) Triển khai công tác tuyên truyền thiết thực, hiệu quả theo tiến độ thời gian đề ra; phổ biến nội dung CCHC kịp thời, đầy đủ, thường xuyên, rộng khắp, phù hợp với tình hình, đặc điểm, yêu cầu và khả năng của từng đối tượng, từng ngành, lĩnh vực.
b) Thực hiện công tác tuyên truyền phải gắn với nội dung Quyết định số 2243/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 9 năm 2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện A Lưới, xã Quảng Nhâm giai đoạn 2020-2025.
c) Tăng cường lực lượng tham gia công tác tuyên truyền, truyền thông; đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, truyền thông; kết hợp công tác tuyên truyền, truyền thông về CCHC lồng ghép với việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC
1. Nội dung tuyên truyền
a) Các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và lãnh đạo tỉnh về cải cách hành chính và tình hình, kết quả trong thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
b) Tăng cường tuyên truyền CCHC trong nội bộ cơ quan bằng nhiều hình thức phù hợp. Thực hiện công khai TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã; tổ chức tiếp nhận ý kiến đóng góp của tổ chức, công dân và doanh nghiệp về TTHC.
c) Các điển hình tiên tiến trong thực hiện CCHC tại các sở, ngành, đơn vị, địa phương các cấp và những vấn đề nổi cộm, bức xúc xảy ra trong công tác CCHC.
d) Tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng và Chỉ thị số 24/CT-UBND, ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác CCHC gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh.
e) Phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng đô thị thông minh như: giám sát camera, giám sát báo chí; giám sát dịch vụ hành chính; dịch vụ cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh; phòng, chống dịch bệnh... đặc biệt chú trọng tuyên truyền về ứng dụng dịch vụ phản ánh hiện trường để người dân hiểu và tham gia thực hiện.
g) Tuyên truyền, truyền thông những sáng kiến, giải pháp mới, các mô hình trong quá trình thực hiện công tác cải cách hành chính; các điển hình tiên tiến trong thực hiện cải cách hành chính tại đơn vị, địa phương.
2. Hình thức tuyên truyền
a) Đưa thông tin về CCHC một cách thích hợp trong các buổi giao ban, họp định kỳ của cơ quan, đơn vị; lồng ghép trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ quan, đơn vị.
b) Niêm yết công khai, đầy đủ và thường xuyên cập nhật TTHC mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và trên Trang thông tin điện tử của xã.
c) Tham gia các lớp tập huấn, quán triệt nội dung, kế hoạch thực hiện CCHC cho đội ngũ cán bộ, công chức, lồng ghép nội dung CCHC trong các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do huyện, tỉnh tổ chức.
d) Tuyên truyền vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội đối với nhiệm vụ triển khai công tác CCHC ở từng cấp, ngành, đơn vị, từng lĩnh vực, lấy lợi ích và sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả công tác CCHC.
e) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong công tác tuyên truyền, truyền thông về cải cách hành chính, phát huy và khai thác có hiệu quả các tiện ích của mạng xã hội có nhiều người dùng (như Zalo, Facebook, Youtube...) trong việc tuyên truyền về các nội dung cải cách hành chính.
3. Đối tượng tuyên truyền
Toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, cơ quan quản lý nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã.
III. KINH PHÍ:
Căn cứ các nhiệm vụ tuyên truyền về CCHC chủ động sử dụng kinh phí thường xuyên được cấp hàng năm để triển khai thực hiện.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công chức Văn phòng – Thống kê xã
Chủ trì phối hợp với các ban, ngành, công chức chuyên môn liên quan cung cấp thông tin về công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên toàn xã. Thực hiện việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện công khai thủ tục hành chính tại cơ quan; cử nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương.
Quản lý trang thông tin điện tử của xã, nâng cao chất lượng các chuyên đề, chuyên mục thủ tục hành chính về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cập nhật kịp thời các thủ tục hành chính đã được sửa đổi, bổ sung tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin.
Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, công chức chuyên môn liên quan trên địa bàn xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền CCHC; định kỳ tổng hợp, xây dựng báo cáo về kết quả thực hiện công tác tuyên truyền CCHC của UBND xã.
Phối hợp với các ban, ngành, công chức chuyên môn liên quan tuyên truyền CCHC theo sự chỉ đạo của UBND xã; thực hiện công tác giám sát, đánh giá những kết quả đạt được trên lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Hướng dẫn, đôn đốc các phòng, ban chuyên môn cấp xã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền CCHC;
2. Công chức VHXH (Phụ trách lĩnh vực Văn hóa và Thông tin)
Phối hợp với công chức Tư pháp – Hộ tịch, các ban, ngành, công chức chuyên môn liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, của tỉnh, của xã về CCHC.
Chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền, phổ biến về CCHC trên hệ thống truyền thanh của xã, trạm phát thanh xã. Thời lượng, tần suất phát sóng ít nhất 10 - 15 phút/lượt/tuần. Không ngừng đổi mới nội dung tuyên truyền, ngắn gọn, dễ hiểu,... nhằm kịp thời phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về CCHC.
Phối hợp chặt chẽ với Công chức Tư pháp – Hộ tịch, công chức Văn phòng – Thống kêxã và các ngành liên quan để tiếp cận, khai thác các nguồn thông tin chính thống đảm bảo tính chính xác, trung thực, kịp thời đăng tải, phát sóng.
3. Công chức Tư pháp – Hộ tịch
Phối hợp với công chức VHXH, các ban, ngành, công chức chuyên môn cung cấp thông tin về kiểm soát TTHC, cải cách TTHC để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách TTHC. Lồng ghép việc tuyên truyền cải cách TTHC với công tác phổ biến giáo dục pháp luật; công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước có liên quan về đổi mới hệ thống chính trị, cải cách lập pháp, cải cách tư pháp.
4. Các ban, ngành và công chức chuyên môn khác thuộc UBND xã
Căn cứ nội dung Kế hoạch tuyên truyền CCHC của xã, đồng thời bám sát tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của ngành, lĩnh vực chủ động tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về công tác CCHC.
Có trách nhiệm lập kế hoạch cụ thể thực hiện các nhiệm vụ được phân công; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền CCHC.
Trên đây là Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính trên địa bàn xã Quảng Nhâm năm 2024, đề nghị các ban, ngành và công chức chuyên môn cấp xã liên quan triển khai thực hiện./.